Sau 30 ngày tham gia cùng hãng bảo mật Mỹ McAfee, những người tình nguyện đã biết thế nào là "cơn bão" phishing, quảng cáo dược phẩm, chương trình khuyến mại, các món hàng miễn phí và cả những nội dung đồi trụy.
Ảnh: BBC.
Đúng ngày Cá tháng 4 vừa qua, McAfee đã chọn ra 50 người ở 10 nước để thực hiện dự án Spammed Persistently All Month (S.P.A.M.): họ sẽ tảng lờ mọi cảnh báo, bộ lọc e-mail... và sẵn sàng trả lời tất cả những e-mail họ nhận được trong một tháng.
Khi mọi chuyện kết thúc, Tracy Mooney, sống ở Naperville, Illinois (Mỹ), thốt lên: "Thật kinh khủng. Tôi quá bất ngờ khi hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nếu người ta tò mò đọc hết e-mail trong hòm thư của họ".
Mỗi khi khai báo địa chỉ nhà để cố giành một chiếc iPod, một chuyến du lịch miễn phí, mua trà giảm béo hay kem chống nhăn mắt Maybelline... không chỉ hòm thư online mà cả thùng thư trước cửa nhà cô cũng tràn ngập quảng cáo. "Tôi gửi e-mail yêu cầu một công ty loại địa chỉ của mình ra khỏi danh sách tiếp thị, câu trả lời chỉ làm tôi cảm thấy thêm tồi tệ: Họ từ chối", Mooney cho hay.
Hậu quả rõ ràng nhất là máy tính của những người tình nguyện bắt đầu hoạt động chậm chạp và dính hàng loạt spyware (phần mềm gián điệp). Trung bình, mỗi người nhận được 70 thông điệp spam mỗi ngày, trong đó nam giới nhiều hơn phái nữ 15% do họ chịu khó lang thang trên mạng hơn.
5 người ở Mỹ nhận được nhiều thư rác nhất với 23.233 thông điệp, tiếp đến là Brazil và Italia với hơn 15.000, Mexio và Anh nhận 10.000 spam còn người Đức và Pháp chỉ có khoảng 3.000. Phishing chiếm 22% trong tổng số spam của người Italy.
"Tôi chẳng biết nơi nào an toàn trên Internet nữa. Tôi đăng tin tìm việc nhưng mấy trang tìm hỗ trợ việc làm đó chỉ khiến số thư rác trong tài khoản của tôi tăng lên", một tình nguyện viên người Australia nói.
Lê Nguyên (theo NetworkWorld)
Vnexpress.vn
Đăng nhận xét