Các doanh nghiệp, nhà quản lí đối cho rằng, chưa nên cấp phép 4G tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại, bởi Việt Nam còn nhiều dư địa cho 3G phát triển, nếu chuyển sang 4G ngay sẽ vô cùng lãng phí.
Mạng 3G ở Việt Nam đang còn nhiều cơ hội phát triển.
Từ năm 2009, khi được cấp phép mạng 3G, các nhà mạng Việt Nam đã đầu tư 2 tỉ USD cho hạ tầng mạng này. Bên cạnh đó, người dân cũng phải chi rất nhiều tiền để sắm thiết bị tương thích mà đến nay vẫn chưa dùng hết công suất. Vì vậy, các nhà mạng cho rằng, chưa nên triển khai sớm mạng 4G, để doanh nghiệp viễn thông thu hồi vốn từ mạng 3G và tránh lãng phí khoản tiền đầu tư thiết bị của người tiêu dùng.
Các chuyên gia viễn thông cũng cho rằng, việc cấp phép 4G phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, giải bài toán hiệu quả đầu tư là yếu tố then chốt.
Ông Yuan Song, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam cho rằng, người sử dụng cuối cùng sẽ quyết định việc dùng 4G. Nếu người sử dụng muốn có được tốc độ nhanh hơn, cảm ứng tốt hơn, chấp nhận chi trả gói cước đắt hơn và nếu đạt được một lượng người sử dụng nhất định, thì nên triển khai 4G. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chú ý chiến lược đầu tư 4G sao cho hiệu quả.
“Châu Âu và Trung Quốc đã triển khai 4G, nhưng thực hiện có trọng điểm, như đô thị, hay những khu vực không có băng thông cố định. Tại Trung Quốc, từ năm 2013 đã triển khai 4G ở quy mô lớn. Chắc chắn, trong giai đoạn đầu triển khai, giá thành sẽ đắt hơn”, ông Yuan Song phân tích.
Theo ông Yuan Song, trên thế giới, bất cứ một công nghệ mới nào đều phải trải qua giai đoạn đào tạo, giai đoạn tăng trưởng và giai đoạn bão hòa. Đối với Việt Nam, năm 2009 là bắt đầu triển khai 3G, qua 5 năm, bây giờ là thời kì tăng trưởng nhanh.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Qualcomm cũng cho rằng, xu hướng trên thế giới sẽ chuyển sang 4G, nhưng 3G ở Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển, vì vậy không nên quá vội vã.
“3G ở Việt Nam vẫn còn đất phát triển. Việt Nam có số lượng người dùng 3G chưa nhiều, trong khi tại các nước phát triển, mật độ người dùng 3G lên 70 - 80%. Như vậy, 3G ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam đang là quốc gia có giá dịch vụ 3G thấp nhất trên thế giới và chất lượng thì liên tục được cải thiện. Sắp tới, các nhà mạng Việt Nam sẽ triển khai 3,5G trên toàn quốc. Nhưng Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho 4G”, ông Nam nhận định.
Còn theo ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, các nhà mạng Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của 3G và năm 2015 mới là thời điểm phù hợp để triển khai 4G. Với mạng 3G hiện tại, khả năng đáp ứng của các nhà mạng lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực tế của người sử dụng. Hiện số lượng người dùng 3G ở Việt Nam vẫn còn rất ít, vì vậy phải tăng trưởng nhiều hơn nữa.
“Chỉ khi nào lưu lượng 3G tăng lên rất cao và nhu cầu của người sử dụng lớn, thì mới có thể triển khai mạng 4G. Nếu trung bình mỗi năm, lượng dữ liệu truyền qua mạng 3G tăng gấp đôi, thì đến năm 2015 sẽ là thời điểm thích hợp nhất để triển khai mạng 4G, vì dung lượng các nhà mạng hiện tại khá lớn và có thể đáp ứng tốt nhu cầu người dùng”, ông Jan Wassenius nói.
Mới đây, ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam đang tiến hành số hoá truyền hình và lấy băng tần thừa này để dùng cho mạng 4G. Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu thận trọng để xem thời điểm nào cung cấp 4G hiệu quả nhất. Bộ giao Cục Viễn thông theo dõi tình hình thế giới và Việt Nam để lựa chọn thời điểm thích hợp triển khai 4G. Việt Nam dự kiến triển khai 4G vào năm 2015, song thời điểm cụ thể còn phụ thuộc vào thị trường.
Cuối năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 5 giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G cho VNPT, CMC, FPT, VTC và Viettel. Mới đây, Viettel và VNPT cho biết, việc thử nghiệm 4G của họ đã thành công.
Theo một lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, chính các doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm công nghệ 4G cũng đề nghị chưa tiến hành đấu giá quyền sử dụng giấy phép công nghệ này, mà chờ đến năm 2015, nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả.
Theo Báo Đầu Tư
Đăng nhận xét